SGF VIETNAM

Về xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi được người dân nơi đây kể về mô hình nuôi dế của anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1986). Mặc dù không lạ đối với một số địa phương khác trên đất nước Việt Nam nhưng còn rất mới đối với người dân xã nhà nên mô hình không khỏi khiến người dân chú ý theo dõi.
Sau khi tốt nghiệp PTTH, theo chân bạn bè anh Nguyễn Văn Tuấn vào miền Nam tìm kiếm các cơ hội việc làm. Tuy nhiên gia đình neo người nên cha mẹ anh luôn mong muốn anh trở về quê hương sum vầy. Vậy là anh trở về quê hương Yên Hồ lập gia đình và sinh sống cùng cha mẹ. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp và một số nghề phụ khác nên mang lại nguồn thu nhập chưa cao. Trong thời gian sinh sống ở miền Nam, được tham quan một số mô hình nuôi dế, đồng thời nhận thấy đây là đối tượng nuôi mới lạ tại địa phương nên anh Tuấn quyết định thử nghiệm nuôi đối tượng này.

Anh Tuấn cho hay, nuôi dế cũng không tốn nhiều diện tích, dế ít thải phân nên không ô nhiễm môi trường, chi phí thấp, thị trường ổn định do bên đơn vị cung cấp giống sẽ thu mua luôn dế thương phẩm.

Anh Tuấn làm chuồng nuôi dế bằng cách đóng các thùng tôn với diện tích 1,2 x 2,4 (m); bên trong để các khay xốp làm nơi trú ngụ cho dế. Các chuồng nuôi được để bên hiên nhà, mái lợp tôn, nền tráng xi-măng. Chuồng được kê cao, che kín để tránh kiến và côn trùng khác không bò vào. Trong quá trình nuôi phải xử lý kiến tốt vì nếu kiến cắn trứng dế sẽ không nở và dế sẽ bị chết. Năm 2016, anh thử nghiệm với 2 chuồng nuôi, thấy việc nuôi nhàn hạ nhưng mang lại thu nhập cao nên đến nay anh đã mở rộng lên 6 chuồng nuôi.

Anh Nguyễn Văn Tuấn chăm sóc chuồng dế cẩn thận

Khi được hỏi về thức ăn cho dế, anh Tuấn cho biết thức ăn cho dế khá đơn giản. Dế ăn nhiều loại rau, cỏ, củ, quả như: cỏ non, bắp cải, lá khoai lang, lá sắn, rau muống, cùi dưa hấu, dưa chuột, củ đậu, bí ngô, củ sắn… Ngoài ra cho dế ăn bổ sung các loại cám đã nghiền nhỏ: cám ngô, cám gạo, bột đậu xanh, bột đậu tương, cám gà con… Tuy nhiên thức ăn phải sạch, không nên dính nước nên khi cho dế ăn các loại rau củ quả, cần chọn các loại rau không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, rau được rửa sạch và phơi ráo nước mới rải dần vào chuồng cho dế ăn.

Tuy dế là loài dễ nuôi, ít bệnh nhưng có sức đề kháng kém, rất nhạy cảm với hóa chất nên đòi hỏi môi trường sống phải yên tĩnh, thoáng mát. Dế cũng dễ dị ứng với mùi khói. Dế thường mắc bệnh bại liệt và tiêu chảy. Bệnh bại liệt xuất hiện ở dế do vào mùa đông nhiệt độ thấp, dế không chịu được rét dẫn đến còi cọc và chết dần. Cùng với đó, nếu dế ăn phải thức ăn bị nhiễm hóa chất hay phân đạm sẽ chết do mắc bệnh tiêu chảy.

Đời sống của dế tương đối ngắn, tuổi thọ kéo dài từ 2 – 3 tháng. Dế cần nhiều thức ăn trong khoảng 20 – 30 ngày tuổi. Khi dế khi được 40 ngày tuổi sẽ gáy và bắt đầu sinh sản. Dế mèn đẻ mỗi lứa nhiều trứng nên có thể vừa nuôi dế thương phẩm, đồng thời nhân giống, cho nên người nuôi dế chỉ cần mua con giống một lần tại các cơ sở sản xuất giống, các lứa sau đó thì tự nhân đàn. Tuy nhiên, sau khi đẻ chúng sẽ chết dần, vì vậy cần chọn thời điểm thu hoạch dế thương phẩm phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu hoạch dế còn sống phục vụ làm thức ăn chăn nuôi cho rất nhiều động vật nuôi như: chim cảnh, các loài chim lớn, cá cảnh, gà rừng, gà cảnh, đà điểu, tắc kè, bọ cạp, rết, cà cuống, ếch, ba ba, rùa, cóc… chỉ cần nuôi từ 28 – 30 ngày là xuất bán. Còn thu hoạch dế thương phẩm, nếu thuận lợi, sinh trưởng tốt thì sau khoảng 40 – 45 ngày có thể thu hoạch. Vào mùa đông thì thời gian nuôi có thể sẽ kéo dài hơn. Trước khi thu hoạch vài ngày, người nuôi nên dừng cho ăn các loại rau mà chỉ cho ăn bột đậu xanh hay nhịn ăn để làm sạch ổ bụng. Dế được các cơ sở thu mua về sơ chế, đóng hộp cấp đông được thực hiện theo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quy định của nhà nước cấp phép, dùng làm thực phẩm dành cho con người hoặc làm thức ăn cho động vật nuôi cao cấp, cất trữ đông lạnh tiện lợi.

Anh Tuấn cho biết, trong miền Nam dế được sử dụng để chế biến thành những món ăn theo kiểu độc, lạ như dế chiên giòn, chiên bơ, dế xào… ăn kèm với các loại bánh tráng, rau sống, với giá bán dao động từ 150.000 – 180.000 đồng/kg, tùy theo loại dế thịt hay dế trứng. Món ăn này rất ngon miệng và được nhiều người ưa chuộng.

Anh Tuấn vui vẻ chia sẻ: “Mỗi chuồng nuôi chuồng sau 45 ngày nuôi sẽ cho thu hoạch khoảng 50 kg dế thương phẩm, giá bán hiện tại là 140 nghìn đồng/kg. Tính ra mỗi lứa, gia đình tôi thu gần 40 triệu đồng từ 6 chuồng nuôi này. Mô hình nuôi dế thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn gấp 3 lần so với nuôi lợn”./.

Hà Trần

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

SẢN PHẨM ĐÃ XEM

    Chưa xem sản phẩm nào