SGF VIETNAM

Trong thời gian suốt gần 9 năm sống tại Hàn Quốc, gần 20 năm biết đến Hàn Quốc, tôi luôn cảm thấy họ luôn bận bịu với công việc. Kể từ ngày biết Hàn Quốc đến nay, tôi nhận thấy dù tính cách của người Hàn Quốc phần nào thay đổi theo thời cuộc nhưng có một đặc tính không thay đổi, đó là tính cần cù.

Nhớ ngày tôi còn làm quản lý lao động, xuống đến tất cả các nhà máy Hàn Quốc thì hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ở cổng công ty đó là những bác bảo vệ đều nhiều tuổi.

Có ông đi còng, có ông mắt nhìn còn không rõ nhưng vẫn làm việc ca ngày ca đêm đều đặn, chăm chỉ như không bao giờ có dấu hiệu của tuổi tác. Ít khi nghe thấy người Hàn Quốc xin nghỉ việc vì ốm và chỉ khi ốm nặng lắm họ mới xin nghỉ.

Vào trong nhà máy, còn rất nhiều ông bà cụ, còn lưng dọn vệ sinh hoặc làm tạp vụ, hình ảnh lao động già của Hàn Quốc tràn ngập ở các nhà máy, công xưởng, tàu điện ngầm, đường phố với đủ mọi công việc: dọn vệ sinh, hướng dẫn đường, lau chùi, bảo vệ, quét rác, phát tờ rơi, bán hàng.

Chuyến đi Seoul lần này, tôi bắt taxi và lên xe thì thấy tài xế là ông cụ, hỏi ra đã ở tuổi 70.

Hỏi thăm về cuộc sống thì ông cho biết ông về hưu 10 năm nay và chuyển sang nghề lái taxi nuôi vợ vì con đã lớn. Hỏi ông sao không vui thú tuổi già ở nhà thì ông bảo người Hàn Quốc chúng tôi ngồi không chịu không được, với lại ở nhà thì lấy gì mà ăn, mà nuôi vợ.

Người Hàn về hưu vẫn thường tìm thêm công việc để làm, để sống khoảng 20 năm còn lại. Người Hàn nói ở Việt Nam sướng thật, các bậc cao niên về hưu thường đánh cờ, tenis, nhậu nhẹt vui thú tuổi già là chính.

Đặc tính cần cù được đề cao nhất trong công ty Hàn Quốc. Người Hàn Quốc thường nhìn nhau để làm chăm chỉ. Người Hàn có thói quen ngủ muộn, ngủ ít, họ đi làm về muộn vì công việc bận bịu ở công ty.

Ở Công ty, người Hàn Quốc rất ít khi làm ngày 8 tiếng theo đúng hợp đồng và chẳng ai làm 8 tiếng theo luật hoặc hợp đồng mà tồn tại ở công ty cả. Thường 9 tiếng, 10 tiếng là thường và không bao giờ có thù lao là chuyện đương nhiên.

Người Hàn Quốc làm việc theo công việc, không theo thời gian. Họ sẵn sàng làm qua đêm để xong công việc. Họ làm xong mới nghỉ, không có kiểu “thôi mai làm cũng được”. Còn ở Việt Nam thì tôi thấy nhiều người nhất thiết 4h phải về để “đón con”.

Cách đây một tháng, có một doanh nhân Hàn Quốc điện thoại đến và ngỏ ý muốn được nhờ tôi đôi việc. Khi gặp mới sững người vì doanh nhân này đã 82 tuổi, mặc áo 4 túi, gầy còm, dùng răng giả, dấu hiệu tuổi tác đã nhiều nhưng dấu hiệu nhiệt huyết về công việc thì vẫn phơi phới.

Ông khoe năm nay 82 tuổi nhưng làm doanh nhân từ lúc 40 tuổi, đi gần 200 nước trên thế giới và đã sang Việt Nam gần 20 lần để mua khoai lang về bán gia công cho Nhật Bản, và vẫn chưa biết bao giờ nghỉ hưu.

Lao động mang lại sự sáng tạo, sự cần cù của người Hàn Quốc khiến cho họ không kêu ca, không than vãn và sẵn sàng hiến thân vì công việc. 9-10 giờ tối ở Seoul, người Hàn Quốc còn đi làm đầy đường, tấp nhập thậm chí hơn cả ban ngày.

Về nông thôn Hàn Quốc, giờ chỉ còn lại ông bà già, thường 60-70 tuổi. Sáng sớm mới 3-4h đã ra đồng làm việc, nền nông nghiệp Hàn Quốc có thể nói hiện tại hoàn toàn phụ thuộc vào ông bà già, nhưng chẳng bao giờ 48 triệu dân Hàn Quốc thiếu thốn lương thực cả.

Người Hàn Quốc trước đây cũng có khái niệm giờ cao su, gọi là Korean style time. Khi chưa công nghiệp hóa, họ cũng lờ khờ, cũng khệnh khạng. Sau phong trào “Ngôi làng mới” cải cách lề lối làm việc ở nông thôn và công nghiệp, tác phong của người Hàn Quốc đã thay đổi và thay đổi rất nhanh đến ngày hôm nay.

Ta cứ tự hào dân tộc Việt Nam là dân tộc cần cù, nhưng so với người Hàn, chúng ta còn thua họ xa lắm. Chỉ cần cần cù như người Hàn, chúng ta sẽ bằng 2 lần Hàn Quốc.

Nguồn: Bài viết từ FaceBook của ông Lê Huy Khoa đăng ngày 11/11/2013

SẢN PHẨM ĐÃ XEM

    Chưa xem sản phẩm nào