SGF VIETNAM

QUÁ TRÌNH THAI NGHÉN VÀ HÌNH THÀNH DỰ ÁN

Vào năm 2004 tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Gyeongsangbuk chính thức kết nghĩa anh em. Sau đó 1 năm tức năm 2005 Dự án làng thí điểm Saemaul được đi vào triển khai lần đầu tiên tại thôn Rừng Vần, tỉnh Thái Nguyên với các hoạt động như xây nhà văn hoá, trạm xá, trường học, hỗ trợ các vật dụng trang thiết bị giáo dục, tổ chức gửi đoàn đi tập huấn tại Hàn Quốc,… Những hoạt động này đã đánh dấu bước đi đầu tiên của dự án làng thí điểm Saemaul tại Việt Nam, đây cũng là dịp giúp người dân Việt Nam lần đầu tiên được tiếp cận và biết tới phong trào này. Tính đến nay, đã gần 14 năm trôi qua, năm 2019 khi Đại diện Quỹ toàn cầu hóa Saemaul chúng tôi  tại Việt Nam tới thăm lại thôn Rừng Vần, chúng tôi thấy rằng những công trình như nhà văn hoá, trạm xá, trường học được hỗ trợ xây dựng trước đây vẫn được người dân quản lý giữ gìn tốt, người dân và các cán bộ lãnh đạo địa phương vẫn luôn ghi nhớ tinh thần Saemaul, từ đó chúng tôi cảm nhận được rõ rệt sức mạnh bền vững mà phong trào Saemaul đã đem lại.

Một thời gian dài sau khi kết thúc dự án đầu tiên, khái niệm về một dự án làng thí điểm Saemaul có vẻ như đã không còn đọng lại nhiều trong ký ức người Việt. Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức thương mại Thế giới WTO vào năm 2006, nền kinh tế phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 6-7%, nhưng kéo theo đó là sự mất cân bằng, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Đứng trước tình trạng này, Chính Phủ Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng và tích cực triển khai Kế hoạch phát triển nông thôn mới trên toàn quốc như một phương án nhằm giải quyết vấn đề chênh lệch giàu nghèo nói trên. Có thể nói, sự quan tâm và tập trung mà Chính phủ Việt Nam dành cho phát triển nông thôn một phần lấy cảm hứng từ chính dự án làng mới Saemaul mà tỉnh Gyeongsangbuk đã triển khai tại Việt Nam.

QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN

Tiếp theo đó, từ năm 2014 Quỹ toàn cầu hoá Saemaul hợp tác cùng KOICA triển khai thực hiện dự án Làng thí điểm Saemaul tại xóm Tổ, tỉnh Thái Nguyên; thôn Tân Lập 2 và thôn Tân Mỹ tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai dự án, do sự nhận thức chưa chính xác về dự án của Quỹ, hiểu lầm rằng dự án của Quỹ có tính chất giống với những dự án tính từ thiện của KOICA. Để giải quyết vấn đề này, vào tháng 11 năm 2016 chúng tôi đã quyết định thành lập Văn phòng đại diện Quỹ tại Việt Nam, bắt tay vào xây dựng một cách chặt chẽ các quy định, nguyên tắc thống nhất về Dự án làng thí điểm Saemaul tại Việt Nam, cùng với việc điều hành hệ thống các chuyên gia vùng chịu trách nhiệm sát sao tại từng địa phương, qua đó từng bước củng cố và xây dựng kế hoạch triển khai sao cho phù hợp với tính chất mỗi địa phương.

Với dự án tại Xóm Tổ, trong bước đầu thực hiện, chúng tôi bắt đầu từ việc lập kế hoạch 5 năm với các hoạt động như xây nhà văn hóa, bê tông hoá đường làng và từng bước cải thiện môi trường sống của dân làng. Kết quả là từ một ngôi làng khó khăn đã chuyển mình, khoác lên một diện mạo mới, chất lượng sống được cải thiện rõ rệt so với các làng lân cận. Từ một ngôi làng vẫn chưa đạt được kết quả phát triển sinh kế, nhưng nhờ những nỗ lực phát triển kinh tế tăng thu nhập thông qua các dự án nuôi thỏ, trồng dong, xây dựng xưởng miến vào năm 2018 đã giúp người dân đạt được thành công trong việc mở rộng hạ tầng sản xuất tự lập, phát triển kinh tế. Tuy nhiên sau khi thành lập mô hình hợp tác xã Saemaul – mô hình với mục đích phát triển gia tăng thu nhập – và trao quyền điều hành cho người dân đã không tránh khỏi việc phát sinh một vài vấn đề trong bộ máy quản lý, và hiện tại chúng tôi đã từng bước kiện toàn bộ máy để hoạt động có hiệu quả và đảm bảo lợi ích công bằng cho toàn thể người dân. Vào năm 2019, thông qua cuộc khảo sát ý kiến người dân do Đại diện Quỹ tại Việt Nam thực hiện, người dân đã thống nhất lựa chọn thực hiện dự án cải tạo nhà ở. Và cũng nhân dịp này, chúng tôi đã ra sức vận động bà con nhân dân quan tâm hơn tới các  dự án của Semaul, đồng thời tiến hành cơ cấu lại bộ máy quản lý Hợp tác xã Saemaul, nhờ đó mà bà con đã đồng lòng chung tay vào việc vận hành quản lý xưởng miến dong, và đưa ra các biện pháp nhằm phân chia lợi nhuận công bằng cho toàn bộ các thành viên HTX. Ngoài ra, chúng tôi cùng bà con xây dựng các cơ sở hạ tầng để khai thác thêm nguồn thu nhập thông qua một số mô hình như trồng rau củ quả trong nhà lưới. Dự án làng mới tại Xóm Tổ Thái Nguyên không chỉ được bà con biết rộng rãi trên địa bàn tỉnh, mà còn được biết tới như một ví dụ điển hình trên toàn lãnh thổ Việt Nam, và được đài truyền hình Việt Nam VTV tới tìm hiểu ghi hình và đưa tin rộng rãi.

Làng Tân Lập 2, bản thân là một ngôi làng có tinh thần hợp tác và đoàn kết mạnh mẽ. Trong giai đoạn đầu, dân làng đã phối hợp cùng Quỹ triển khai một cách thành công các hoạt động như tôn tạo nhà văn hoá, trải nhựa đường làng, cải tạo nhà vệ sinh, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, v..v. Xong với những nỗ lực không ngừng ấy, dù đã thành công trong nhiều dự án nhưng các dự án sinh kế nâng cao thu nhập lại chưa thể đạt được nhiều thành quả như mong đợi.  Đúng lúc ấy, văn phòng đại diện quỹ tại Việt Nam được thành lập,  sau đó vào năm 2017, làng Tân Lập 2 là ngôi làng đầu tiên trong số các làng triển khai dự án thực hiện thành lập và đăng ký hoạt động mô hình Hợp tác xã Saemaul. Cùng với đó, người dân sử dụng 1 ha đất được Nhà nước hỗ trợ để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ cho hoạt động của hợp tác xã như trụ sở hợp tác xã, nhà kho, nhà lưới, xưởng sấy thóc,vv. Ngoài ra, làng còn được chính quyền địa phương hỗ trợ riêng để đầu tư vào hệ thống xưởng xay xát gạo, nhờ đó từ năm 2018, làng chính thức triển khai thực hiện dự án trồng lúa sạch trên diện tích canh tác 20ha và sản phẩm cũng đã nhận được bằng chứng nhận nông sản sạch VietGAP từ Chính phủ. Đây cũng là sản phẩm của một dây chuyền sản xuất lương thực khép kín được chính Hợp tác xã Saemaul tự tay trồng, thu hoạch, phơi sấy, xay xát, đóng gói và đem đi tiêu thụ. Từ năm 2019 cho tới nay, chúng tôi vẫn đang nỗ lực không ngừng trong việc mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm gạo sạch này, đem sản phẩm tới tay người tiêu dùng tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với trường hợp làng Tân Mỹ, đa phần các diện tích đất của làng đều thuộc quyền sở hữu của một bộ phận người dân miền Bắc nhập cư tới, còn người dân gốc ở đây thì đa phần thuộc diện nghèo đói không có hạ tầng đất đai sản xuất. Do vậy, vào thời điểm đầu triển khai dự án, chúng tôi đã tập trung vào việc cải thiện môi trường sống cơ bản cho bà con nhân dân bằng các hoạt động như xây dựng nhà văn hoá , cải tạo trường học, trạm xá, trải nhựa đường làng, v..v. Sau đó chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới Saemaul, tuy nhiên các hoạt động giúp phát triển kinh tế gia tăng thu nhập cho bà con vẫn chưa thể đẩy mạnh. Thêm vào đó do ngân sách viện trợ từ phía chính quyền địa phương Hàn Quốc bị gián đoạn vào thời kỳ đầu triển khai nên dự án lại càng vấp phải nhiều khó khăn hơn. Và đây cũng là bài học kinh nghiệm xương máu đầu tiên của chúng tôi khi triển khai dự án tại Việt Nam. Tuy nhiên cho tới hiện nay, chúng tôi đã gặt hái được thành tựu tiến triển tích cực từ dự án: Người đang dân góp sức xây dựng công trình nhà máy điện mặt trời trên diện tích 400ha xung quanh làng, nhờ đó mà có thêm nhu nhập, giúp cuộc sống của họ tươm tất đầy đủ hơn. Có thể nói sự thay đổi đáng ngạc nhiên này là một bài học kinh nghiêm quý báu đối với chúng tôi.

QUÁ TRÌNH ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN DỰ ÁN

Quỹ toàn cầu hoá Saemaul đã chính thức thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 2016, qua đó kết nối huy động các thành phố Gunwui-do, Bonghwa- gun, Ulsan-si, Sungju-si, EuiSung-gun thuộc tỉnh Gyeongsangbuk hỗ trợ và triển khai dự án tại 5 làng Việt Nam (Phú Nam 1, Mộ Đạo, Trạch Phổ, Tân Quới Lộ, Lương Tâm 9). Quỹ cũng rút kinh nghiệm từ những vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện 3 dự án đầu tiên, áp dụng hình thức triển khai mới sao cho phù hợp nhất với đặc thù ở Việt Nam (xây dựng hệ thống các chuyên gia vùng và mô hình Hợp tác xã Saemaul), thiết lập các nguyên tắc thực hiện một cách đồng nhất ngay từ thời điểm đầu trước khi triển khai dự án.

Vào giai đạn đầu dự án, Văn phòng quỹ của chúng tôi ở Việt Nam phải rất nỗ lực để thuyết phục và thống nhất được các quan điểm chung với các cán bộ chính quyền địa phương và người dân. Mỗi lần đại diện Quỹ và các chuyên gia vùng tổ chức họp bà con nhân dân, do tâm lý e dè vốn có mà họ ngại bày tỏ ý kiến riêng của mình, và một phần họ luôn quen việc tuân theo sự hướng dẫn chỉ đạo của cán bộ địa phương. Vì vậy ở giai đoạn này, việc triển khai dự án vấp phải tương đối nhiều khó khăn. Thêm vào đó, việc đảm bảo tuân thủ theo các điều luật dành cho cơ quan phi chính phủ cũng như chỉ đạo của các cơ quan ban ngành khiến những hoạt động triển khai dự án gặp phải một vài hạn chế nhất định, và chúng tôi cùng các cán bộ chuyên trách địa phương đã cùng nhau nỗ lực rất nhiều để tìm ra được tiếng nói chung và con đường đi thích hợp, theo đúng quan điểm chỉ đạo của chính phủ Việt Nam.

Kết quả đạt được tới nay là hằng năm Quỹ chúng tôi vẫn tổ chức các chương trình tập huấn tại Hàn Quốc dành cho đối tượng là người dân và cán bộ địa phương. Vào năm 2017 Đại diện quỹ tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu Saemaul Undong tổ chức Diễn đàn quốc tế Saemaul. Năm 2018 phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị quốc tế Saemaul tại tỉnh Thái Nguyên, qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương và người dân về vấn đề phát triển nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Và không thể bỏ qua một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lớn cho dự án, đó chính là sự góp mặt và phát biểu của ngài Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Hội nghị quốc tế Saemaul đồng tổ chức bởi văn phòng Quỹ toàn cầu hoá Saemaul tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngài Thứ trưởng đã có bài nhận xét đánh giá về các dự án Saemaul và cho rằng “Chương trình Nông thôn mới mục tiêu quốc gia mà chúng ta phát động triển khai từ năm 2010 tuy đã gặt hái được những thành quả nhất định, song vẫn còn tồn tại một vài thiếu sót trong việc nâng cao ý thức tự giác tích cực tham gia của người dân cũng như chưa đạt được kết quả trông thấy trong các dự án nâng cao thu nhập. Do đó, chúng ta nên học hỏi theo mô hình nông thôn mới của Hàn Quốc Saemaul, học hỏi tinh thần của một cuộc vận động mang tính gốc rễ giúp thay đổi nhận thức và ý thức tự giác tích cực tham gia của người dân vào việc phát triển nông thôn. Chúng ta cần phải đồng hành, nỗ lực không ngừng để thực hiện một cách có hiệu quả dự án làng thí điểm Semaul của Quỹ toàn cần hoá Semaul cùng các dự án nâng cao thu nhập”. Nội dung bài phát biểu này cũng đã được các nhà đài địa phương đưa tin rộng rãi, nhờ đó gây được tầm ảnh hưởng nhất định tới cán bộ địa phương và bà con nông dân trong việc thay đổi nhận thức của chính mình.

Nguyên tắc của phong trào Saemaul là thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực của người dân từ đó thúc đẩy địa phương tự lực phát triển. Vào giai đoạn đầu triển khai dự án, nguyên tắc này có phần chưa thực sự phù hợp với cơ chế hoạt động của bộ máy chính quyền sở tại. Tuy nhiên vào thời điểm này nó lại rất thiết thực và phù hợp với mục tiêu cấp bách mà chính phủ Việt Nam đang hướng tới là nâng cao thu nhập cho nông dân từ đó dần giải quyết vấn đề chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Do đó dự án càng được Chính phủ Việt Nam quan tâm công nhận, tạo cơ hội mở rộng dự án ra toàn quốc.

HIỆN TRẠNG TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN

May mắn thay, nhờ có sự quan tâm và hiểu biết đúng đắn của các cấp ban ngành lãnh đạo địa phương về Phong trào Làng Mới Hàn Quốc (Saemaul Undong), Văn phòng quỹ tại Việt Nam đã được công nhận và có thể thực hiện một cách ổn định 5 dự án trên địa bàn Việt Nam từ năm 2017 dựa trên các nguyên tắc thực hiện thống nhất với tư cách là một đơn vị đứng ra quản lý thực hiện dự án ODA của Hàn Quốc chứ không phải là một tổ chức phi chính phủ NGO nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo luật NGO của Việt Nam, các tổ chức NGO nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam phải xin đủ các giấy phép hoạt động theo từng giai đoạn: Giai đoạn 1 là giấy phép hoạt động NGO, giai đoạn 2 là Giấy phép cho văn phòng dự án, giai đoạn 3 là giấy phép cho văn phòng đại diện sở tại chính thức. Nhưng đối với trường hợp của Văn phòng đại diện Quỹ toàn cầu hoá Saemaul tại Việt Nam, chúng tôi chỉ phải xin giấy phép hoạt động giai đoạn 1, được bỏ qua giấy phép giai đoạn 2 và đăng ký thẳng tới giấy phép giai đoạn 3 về việc thành lập văn phòng đại diện. Hiện giấy phép đang trong quá trình thẩm định và dự định sẽ được duyệt trong thời gian tới.  Qua đó có thể nói rằng các thành quả do Quỹ nỗ lực hoạt động trong vòng 3 năm qua đã được công nhận, và sau khi hoàn tất thủ tục thành lập văn phòng đại diện Quỹ thì các dự án của Quỹ sẽ không chỉ thực hiện tại các địa bàn được cấp phép hoạt động mà sẽ trải rộng trên khắp cả nước.

Với nỗ lực triển khai một cách có hiệu quả các dự án nâng cao thu nhập, văn phòng Quỹ tại Việt Nam đã và đang phối hợp với các làng có đủ điều kiện thành lập mới HTX Semaul, cùng các HTX xây dựng nông trại Saemaul và tìm kiếm trồng các loại cây mới, mang tính đặc trưng vùng, khác với các giống cây trồng có sẵn, có đầu ra tốt và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do trong quá khứ, sau khi chính phủ Việt Nam thực hiện cải cách ruộng đất, chia đều ruộng cho nông dân đã xảy ra tình trạng mua bán đất giữa các cá nhân, một phần ruộng đất đã bị các địa chủ mua lại. Do vậy nhiều nông dân không còn phương tiện sản xuất, chỉ lấy công đi làm thuê dẫn tới nhiều khó khăn trong sản xuất kinh tế, ngoài ra, diện tích đất công do nhà nước sở hữu hạn chế dẫn tới việc thiếu hụt diện tích để mở rộng các nông trại của HTX Saemaul. Để giải quyết hạn chế này, Quỹ chúng tôi đã vận động những hộ nông dân có sở hữu ruộng cùng dồn lại và góp vốn bằng ruộng đất nhà mình cho HTX Saemaul, các hộ không sở hữu đất góp vốn bằng tiền mặt và sức lao động. Sau đó thành lập mô hình HTX theo dạng mỗi thành viên 1 quyền biểu quyết, có quyền lợi bình đẳng giống mô hình HTX vốn có, nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng đất đai và đảm bảo quyền quyết định dân chủ cho các xã viên. Tuy nhiên, do thiếu sự tự nguyện tham gia đóng góp của các hộ nông dân sở hữu nhiều đất và sự e ngại về việc góp vốn bằng ruộng đất nên chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để thảo luận, thuyết phục, đàm phán cùng bà con để có thể xây dựng mô hình nông trại Saemaul, và cho đến nay về cơ bản chúng tôi đã xây dựng và đi vào hoạt động ổn định mô hình nông trại Saemaul trên toàn quốc.

Tại làng Trạch Phổ tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã triển khai xây dựng nông trại Saemaul trên diện tích đất 5ha mà trước đây chỉ dùng để trồng rừng bằng một số loại cây có giá trị kinh tế thấp do đất bị sa mạc hoá bởi biến đổi khí hậu. Xã viên HTX Saemaul tự đứng ra quản lý và trồng một số giống cây như hành lá, dưa hấu, dưa chuột, hoa cúc và các loại rau tại nông trại Saemaul. Mô hình này đã gây được tiếng vang lớn và nhận được sự quan tâm của địa phương như một ví dụ điển hình trong việc phân phối tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch với số lượng lớn. Tại làng Trạch Phổ, trước đây đã tồn tại mô hình hợp tác xãc tập trung chủ yếu vào hoạt động sản xuất lúa gạo, phần lớn các hộ gia đình đều tham gia và hoạt động vào HTX này. Nhưng đối với HTX Saemaul mới – định hướng mở rộng các giống cây trồng mới – lại chưa nhận được sự tham gia hưởng ứng từ các hộ nông dân và chưa thống nhất được cách thức hoạt động. Do vậy chúng tôi đã quyết định thành lập Hợc tác xã Saemaul dựa trên các hộ gia đình tự nguyện tham gia, tiếp đó là xây dựng nông trại Saemaul. Hiện nay, HTX Saemaul chỉ có khoảng 12 hộ gia đình tham gia, nhưng chúng tôi đang tiếp tục kỳ vọng sẽ có khoảng trên 50 hộ gia đình tham gia vào thời gian tới.

Đối với làng Tân Quới Lộ và làng Lương Tâm 9 tỉnh Hậu Giang, với kinh nghiệm triển khai thành công mô hình tương tự lại làng Trạch Phổ – Huế, chúng tôi cũng đã tập trung cùng các xã viên HTX Saemaul cùng nhau xây dựng nông trại Saemaul,  xây dựng nhà lưới và kết hợp cùng doanh nghiệp trồng nấm tích cực triển khai tìm kiếm phát triển thêm các giống cây trồng mới phù hợp, có thể trở thành sản phẩm đặc trưng vùng và có giá trị kinh tế cao (VD: dưa lưới và nấm). Hai ngôi làng này nằm trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trước đây đã hình thành mô hình HTX theo chỉ đạo của Nhà nước, tuy nhiên HTX lại hoạt động thực sự chưa có hiệu quả khiến cho người dân đều có những nhận thức thiếu tích cực về mô hình HTX. Nhờ sự tuyên truyền và đào tạo đúng đắn của Văn phòng Quỹ cũng như các chuyên gia vùng, người dân đã hiểu và nhận thức tích cực hơn về HTX, đồng tình cùng thành lập HTX Saemaul mới với những chức năng nhiệm vụ đổi mới và phù hợp hơn. So với những khu vực khác, người dân 2 làng này hoạt động tích cực hơn tại HTX, cùng nhau quản lý sử dụng có hiệu quả các phương tiện may móc sản xuất được Quỹ hỗ trợ, tạo thêm thu nhập, nhờ đó đưa hai làng trở thành những mô hình điển hình tiêu chuẩn, thành công trong việc phát triển kinh tế nâng cao thu và cải thiện đời sống.

Thôn Mộ Đạo tỉnh Bắc Ninh cũng là một điển hình được công nhận về khả năng tự quản tự lực tự cường qua các ví dụ như: làng đã tự đứng ra thành lập hợp tác xã quy mô lớn với sự tham gia của đông đảo người dân, hoàn thành đề án Dồn điền đổi thửa mà chính quyền địa phương đưa ra một các tự nguyện hợp tác. Người dân hiện vẫn đang sử dụng có hiệu quả các loại máy móc nông nghiệp do phía Quỹ hỗ trợ và triển khai thực hiện cách trồng lúa bằng cách gieo cấy. Trước đây thôn đã có từng có thời gian tự đứng ra triển khai dự án trồng tỏi đen do có nhu cầu từ cá nhà máy chế biến tỏi đen Hàn Quốc từ các khu vực lân cận, nhưng dự án này lại không hoạt động theo một tổ chức nhất định, không trực thuộc các hoạt động sản xuất chung của HTX. Cũng giống như trường hợp làng Trạch Phổ – Huế, do hoạt động cứng nhắc của mô hình HTX cũ, người dân thôn Mộ Đạo đã từng có chút e dè và có thái độ chưa tích cực về việc thành lập HTX Saemaul và góp vốn bằng quyền sử dụng đất nên dự án nâng cao thu nhập của chúng tôi thời điểm đó đã gặp một chút khó khăn trong việc triển khai. Nhưng cho tới thời điểm này, chúng tôi đã có thể triển khai dự án ổn định, hiện chúng tôi đang tiến hành mở rộng quỹ đất cho nông trại Saemaul và thực hiện xây mới một số công trình nhà lưới. Với vị trí là một khu vực ngoại ô, chúng tôi dự kiến sẽ trồng thêm một số loại hoa màu sạch để phân phối tiêu thụ cho các khu vực thành thị, các khu công nghiệp lân cận, từ đó tạo giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tại thôn Phú Nam 1 tỉnh Thái Nguyên, do tại đây người dân chỉ chuyên canh tác cây chè và chè cũng là đặc sản nổi tiếng gắn với tên tuổi địa phương. Do vậy tại thôn Phú Nam, chúng tôi quyết định không phát triển thêm giống cây trồng mới gắn với địa phương, và cũng không xây dựng nông trại Saemaul. Thay vào đó, hướng dẫn bà con cùng nhau sản xuất loại sản phẩm chè sạch, chè hữu cơ thông qua các hoạt động của HTX Saemaul với mục tiêu nâng cao thu nhập từ việc trồng chè. Với nỗ lực không ngừng từ các xã viên HTX Saemaul, bà con đã được chính phủ cấp bằng chứng nhận VietGAP, và đang tiếp tục triển khai các hoạt động như cải tiến thiết kế bao bì sản phẩm chè, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm chè, v.v. Ngoài ra, nhờ vào việc tham gia vào hoạt động nâng cấp công trình chợ dân sinh nằm ở phía cổng làng, Quỹ và thôn đã có thể xây dựng một Trung tâm giới thiệu sản phẩm chè khang trang hiện đại với quy mô 2 tầng. Trong thời gian tới, bằng việc biến nơi đây thành cơ sở chế biến, bán hàng trưng bày, bảo tàng lịch sử cây chè, viện nghiên cứu kỹ thuật trồng chè, chúng tôi dự định sẽ phát triển khu vực này thành trung tâm phát triển cây chè của tỉnh Thái Nguyên.

Năm ngôi làng nêu trên là những ngôi làng đã bước vào năm thứ 5 của dự án. Nhờ vào việc tuân thủ theo chỉ đạo của chính quyền TW và địa phương, tuân thủ theo các nguyên tắc hoạt động nhất quán có hệ thống do Văn phòng Quỹ toàn cầu hoá Saemaul tại Việt Nam đưa ra, hiện cả năm ngôi làng đều đang từng bước tiến rất gần tới mục tiêu hoàn thành tiêu chí làng tự lập. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, sau khi kết thúc dự án kết thúc, các làng sẽ hệ thống hoá mô hình HTX Saemaul đã thành lập trước đó, kết hợp chúng lại thành một Hiệp hội HTX Saemaul. Trên cơ sở đó cùng nhau phát triển thành một tổ chức nông dân, duy trì động lực và tinh thần thực hiện phong trào làng mới Saemaul, xây dựng một mạng lưới phân phối tiêu thụ một cách có hệ thống.

Thêm vào đó, hiện tại Quỹ toàn cầu hoá Saemaul đã bắt tay vào việc triển khai thêm 3 dự án làng thí điểm (Phú Ninh, Tiền Tiến, Thái Lai) bằng nguồn hỗ trợ từ 3 quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh Gyeongsangbuk là huyện Cheongdo, thành phố Mun Kyung, huyện Yeongyang.

Tại hai thôn Phú Ninh và thôn Tiền Tiến thuộc tỉnh Thái Nguyên, cũng giống như thôn Phú Nam 1, bà con nơi đây vẫn trung thành với nghề trồng chè, cùng với đó, do hai khu vực này đều có nguồn tài nguyên du lịch sẵn có như di tích lịch sử ATK (An toàn khu – di tích lịch sử gắn với kháng chiến chống Pháp ) gần thôn Phú Ninh, hồ Ghềnh Chè tại thôn Tiền Tiến, nên chúng tôi kế hoạch sẽ phát triển hai thôn này thành các địa điểm du lịch sinh thái nông nghiệp. Khác với thiết kế của các công trình phục vụ bà con vốn được triển khai ở các dự án làng thí điểm như nhà văn hoá, nhà kho HTX, v.v…, tại đây chúng tôi đang triển khai xây dựng các công trình ấy theo kiểu nhà truyền thống của miền bắc, vừa đẹp vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bà con và khách du lịch. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp bằng việc như đổ bê tông tạo các con đường màu đỏ trong làng và các lối lên ruộng chè, cùng với đó sẽ xúc tiến kết nối với trung tâm chè tại thôn Phú Nam 1 để xây dựng mạng lưới phân phối chung các sản phẩm chè và đặc sản được sản xuất tại hai thôn này, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Đối với thôn Thái Lai của thành phố Đà Nẵng, hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ công trình nhà cổ và vườn cổ Việt Nam được bảo tồn cho tới tận ngày nay, chúng tôi dự định sẽ khai thác mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp bằng nguồn tài nguyên quý giá này. Ngoài ra thôn Thái Lai còn có một lợi thế về vị trí địa lý, nằm trong TP Đà Nẵng, một địa danh du lịch nổi tiếng nhất nhì Việt Nam, do đó dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu thụ dồi dào của Thành phố. Cũng giống như thôn Mộ Đạo tỉnh Bắc Ninh, bằng việc trồng và phân phối một số mặt hàng nông sản sạch theo mô hình nhà lưới, thôn Thái Lai cũng được kỳ vọng sẽ phát triển thành một kiểu mẫu điển hình trong việc tạo giá trị gia tăng nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, Quỹ toàn cầu hoá Saemaul cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang hợp tác đồng triển khai hai dự án làng thí điểm theo hình thức mới tại hai xã Bình Phước Xuân và xã Tân Hội Trung.

Xã Bình Phước Xuân thuộc huyện Chợ Mới tỉnh An Giang cùng xã Tân Hội Trung thuộc huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp đều là hai xã nổi tiếng lần lượt với hai ngành nghề là trồng xoài và nuôi ếch. Có thể nói đây là hai trường hợp đầu tiên được triển khai thực hiện trên quy mô lớn hơn là đơn vị xã, mỗi xã bao gồm 5-6 đơn vị làng, khác với phạm vi thực hiện dự án làng thí điển trước đây, và thí điểm triển khai thành lập hợp tác xã quy mô lớn hoạt trông trên một hạng mục nông sản, qua đó giúp nâng cao thu nhập và xây dựng hệ thống kinh doanh tập thể cho bà con nông dân.

Về cơ cấu hỗ trợ, chi phí thực hiện dự án tại hai địa phương trên sẽ được Quỹ toàn cầu hoá Saemaul và Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn hỗ trợ, mỗi bên chịu 50% chi phí, Quỹ và Bộ sẽ cùng nhau cố gắng đẩy mạnh phát triển bộ máy quản lý địa phương. Hai bên đã thống nhất hợp tác và phân chia vai trò như sau: phía Quỹ sẽ chịu trách nhiệm chính trong các dự án nâng cao năng lực người dân và nâng cao thu nhập, phía Bộ NN và PTNT sẽ đảm nhiệm trong việc xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường sống.

Chúng tôi hy vọng rằng những kết quả mà Chương trình nông thôn mới của Chính phủ Việt Nam chưa thể gặt hái được được nhiều như mong đợi trong quá trình triển khai 10 năm qua như nâng cao nhận thức, sự tham gia tự nguyện của người dân, hiệu quả các dự án nâng cao thu nhập, v.v… sẽ được giải quyết triệt để và gặt hái được thêm nhiều thành tựu thiết thực thông qua Dự án làng thí điểm Saemaul này.

Bên cạnh đó, vào năm 2016 Quỹ toàn cầu hoá Saemaul đã hợp tác cùng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp.HCM cùng thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển nông thôn Saemaul Undong. Hiện nay, trung tâm vẫn hoạt động tích cực như một kênh thông tin, với vai trò quảng bá rộng rãi về phong trào Saemaul tại Việt Nam thông qua việc xuất bản các đề tài nghiên cứu, tổ chức các Hội thảo và Diễn đàn quốc tế về Saemaul Undong. Mới đây, Trung tâm đã hoàn thành biên soạn bộ giáo trình chuẩn và sổ tay Saemaul với nội dung được cải tiến sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh điều kiện của Việt Nam, giáo trình và sổ tay hiện đang được xin cấp phép và dự kiến sẽ xuất bản chính thức trong thời tới đây. Phòng trưng bày và giáo dục Saemaul trực thuộc Trung tâm được khánh thành vào năm 2018, mỗi năm đón hơn 2000 lượt khách tới tham quan, đa phần là các đối tượng cán bộ viên chức và học sinh, có thể coi đây là dịp để trung tâm quảng bá giới thiệu phong trào Saemaul tới khách tham quan. Và hằng năm, Trung tâm đều tổ chức các khoá đào tạo tập huấn về Saemaul và mô hình Hợp tác xã, hướng tới đối tượng là những người dân sống trên địa bàn dự án tại khu vực miền Nam Việt Nam. Trung tâm hiện đang vươn mình phát triển từng ngày, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm giáo dục Saemaul chính thức tại Việt Nam.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN SAEMAUL TẠI VIỆT NAM

Dự án làng thí điểm nông thôn mới Saemaul tại Việt Nam tập trung vào việc xây dựng và vận hành mô hình HTX Saemaul cùng nông trại Saemaul tại từng làng, phát triển mỗi làng ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng. Các hoạt động này hoàn toàn phù hợp với nội dung mục tiêu của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mà chính phủ Việt Nam đang triển khai trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

Mặt khác, hoạt động phát triển và phân phối các sản phẩm đặc trưng vùng có tác dụng nâng cao ý thức người dân trong việc tích cực tham gia một cách tự giác vào các hoạt động chung, từ đó không chỉ giúp các làng tự lực phát triển, mà còn góp phần vào việc nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho bà con. Trong tương lai, chúnng tôi dự định sẽ phát triển thành lập một mô hình tổ chức nông dân kiểu mới đáp ứng theo thời đại công nghiệp 4.0, đây là một tổ chức có thể nâng cao giá trị gia tăng và tạo chuỗi giá trị thông qua việc mở rộng mạng lưới phân phối tiêu thụ các mặt hàng nông sản nhờ vào việc kết nối tất cả các HTX Saemaul trên cả nước lại thành một tổ chức liên hiệp chung.

Trải qua một quá trình phát triển như trên, cùng với sự quản lý dẫn dắt của Quỹ toàn cầu hóa Saemaul, phong trào Saemaul đã được người dân Việt Nam biết tới rộng rãi và được công nhận nhờ hiệu quả tích cực mà nó đem lại. Hiện nay dự án đang bước vào giai đoạn bản địa hóa toàn diện sao cho phù hợp nhất với các điều kiện và yếu tố của Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi hướng tới mục tiêu sẽ nhân rộng các mô hình làng thí điểm kiểu mới này tại Việt Nam tới các quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á qua việc thực hiện hiện đại hoá, phát triển các mô hình ấy lên một tầng cao mới ứng dụng các kỹ thuật công nghệ thông tin và các lý luận kinh tế mới nhất.

Kwak Busung – Trưởng Đại diện Quỹ SGF tại Việt Nam

 

SẢN PHẨM ĐÃ XEM

    Chưa xem sản phẩm nào